Chính sách dân tộc Bắc Tề

Tập đoàn thống trị Đông Ngụy Bắc Tề chủ yếu do tộc Tiên Ti lục trấn và địa chủ Hán tộc Hà Bắc kết hợp nắm giữ. Vì người Tiên Ti kỳ thị người Hán nên mâu thuẫn dân tộc rất gay gắt. Cao Hoan muốn điều hòa mâu thuẫn giữa hai tộc Hồ và Hán nhưng không đủ sức. Cao Hoan cho rằng người Tiên Ty và Hán cần phải hợp tác với nhau, người Hán canh tác nông nghiệp để cung ứng lương thực, còn người Tiên Ty tham gia quân đội để bảo vệ đất nước. Chính sách của Đông Ngụy cho phép người Tiên Ty có quyền áp bức người Hán trong trật tự và người Hán phải cam chịu. Cao Hoan tiếp tục nhận được sự ủng hộ của tầng lớp quý tộc Thác Bạt cũ, cho phép quý tộc Thác Bạt quay trở lại phong tục cũ, sử dụng ngôn ngữ Tiên Ty, đi ngược lại chính sách của Hiếu Văn Đế, trong khi đó địa chủ người Hán cũng nhận được các đặc quyền kinh tế. Họ tên của người Tiên Ty cũng được đổi lại. Khi vua mới lên ngôi cũng theo lễ nghi cũ của người Tiên Ty: đầu trùm khăn len màu đen, quay về hướng tây để lạy trời, sau đó mới đi vào điện Thái Cực. Các trường Nho giáo đều đóng cửa. Người Tiên Ty có tiếng nói mà không có chữ viết nên mọi văn thư trong triều đình vẫn dùng chữ Hán. Chính quyền Đông Ngụy – Bắc Tề luôn xảy ra xung đột quyết liệt giữa người Tiên Ty và người Hán. Cuộc tranh chấp chính trị giữa người Tiên Ty và người Hán được kết thúc bằng sự thất bại của các sĩ tộc người Hán.